- Xa xưa, phương tiện được sử dụng để truyền
thông tin ban đầu là cờ, đèn, kèn, trống, ngựa, thuyền, chim câu… Hình ảnh
người cầm cờ tín hiệu trên mũi thuyền cong khắc ở trống đồng có thể là dấu hiệu
của truyền tin bằng hiệu cờ. Quanh thành Cổ Loa vẫn còn di tích các “Hỏa đài”,
đây cũng là những di chỉ thể hiện cách thông tin từ thời xưa.
Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi Bài Thơ (tên
cũ gọi là “Núi truyền đăng” hay “Núi rọi đèn” ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh),
có phiến đá lớn dùng làm chỗ đốt lửa báo hiệu khi có biến ở biên thùy. Với cách
này, các đồn binh thấy lửa cháy trên núi sẽ chuyển tiếp thông tin về triều đình
để vua, quan biết và kịp thời ứng phó. Thế kỷ XVII, thời Trịnh - Nguyễn phân
tranh vẫn sử dụng cách đốt lửa. Nguyễn Hữu Dật, một tướng giỏi nhà Nguyễn cũng
xin lập “lạp đài” ở các cửa biển Quảng Bình để báo tin cho nhanh. Nhiều triều
đại phong kiến còn lập trạm trên tuyến đường bộ, đường thủy làm nơi chuyển tiếp
chiếu chỉ, lệnh dụ… tới mọi nơi. Trạm sử dụng ngựa, thuyền và các phương tiện
khác để bảo đảm những yêu cầu rất cao về thời gian và an toàn trong suốt hành
trình của phu trạm. Người của trạm, từ đội, lính hay phu được vận trang phục
như lính chiến triều đình. Ngựa được tuyển chọn kỹ càng và luôn sẵn sàng lên
đường khi phu trạm trước đến là người và ngựa phi ngay đến trạm tiếp theo. Thời
kỳ đầu triều Nguyễn, tên trạm được xác định bằng cách ghép tên tỉnh với tên
thôn nơi đặt trạm. Dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841), trên địa bàn Hà Nội có
hai trạm: Hà Trung ở thôn Yên Trung, Tổng Tiền Nghiêm (sau đổi thành Vĩnh
Xương), huyện Thọ Xương (nay là phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm). Trạm thứ hai nằm
ngay trên đường Trương Định ngày nay. Khi thực dân Pháp xây dựng hệ thống bưu
điện, trạm bị hủy bỏ. Bưu điện Hà Nội được người Pháp thành lập từ năm 1884. Vị
trí được xây dựng chính là chùa Báo Ân. Năm 1842, Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng
Giai đã quyên tiền dân xây dựng chùa Báo Ân trên nền lầu Ngũ Long (do Trịnh
Doanh xây để hóng mát mùa hè, năm 1787, Lê Chiêu Thống đã ra lệnh đốt lầu).
Chùa còn có tên khác là Quan Thượng và vì trong chùa có hồ sen nên chùa còn
được gọi là Liên Trì (Ao sen). Chùa có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ.
Song, trong năm đó, người Pháp mới chỉ lập ra Bưu cục Hà Nội cùng với các bưu
cục Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây và Ninh Bình để phục vụ thông tin
liên lạc cho bộ máy cai trị của họ. Hoạt động của bưu cục chủ yếu là nghiệp vụ
bưu chính, chuyển thư từ và công văn. Trước đó năm 1883, người Pháp đã phát
hành con tem đầu tiên ở Việt Nam, con tem này mang hình chim Phượng Hoàng, biểu
tượng của hoàng đế Napoleon đệ tam. Việc sử dụng tem rất hạn hẹp, chỉ có công
sở, giới quan chức và số ít người giàu có, còn người nghèo không có nhu cầu.
Cước rất cao, một con tem trong nước là 4 xu, giá một tiếng điện báo là 6 xu
trong khi một cân gạo giá 3 xu. Năm 1886, người Pháp cho phát hành con tem đầu
tiên dùng cho Nam Kỳ và đến năm 1889 phát hành tem dùng chung cho ba nước Đông
Dương. Cuối năm 1884, Pháp cho xây đường dây hữu tuyến Hà Nội - Sài Gòn dài gần
4.000km và hoàn thành vào năm 1888. Cũng trong thời kỳ này, họ xây dựng đường
dây Hà Nội - Hải Phòng. Năm 1888 thông tin điện báo được thiết lập giữa Hà Nội
với Sài Gòn, Vinh, Huế và Đà Nẵng. Năm 1889, Bưu điện Hà Nội có đầy đủ từ bưu
chính, điện báo đến điện thoại. Làm việc trong các cơ sở thông tin bưu điện chủ
yếu là người Pháp hoặc người ở các nước thuộc địa do họ tuyển. Nhân viên người
Việt hầu hết là người vào “làng Tây”, cai, lính giải ngũ. Tất cả những người
làm trong ngành phải tuyên thệ trước tòa sơ thẩm. Lời tuyên thệ của mỗi người
được ghi vào biên bản tòa án và lưu trong hồ sơ cá nhân. Nội dung như sau:
“Tuyệt đối giữ bí mật những điều đọc được ở bức điện công hay tư, một công văn
hay một bức thư. Nghe được cuộc điện thoại không nói cho ai biết dù là đồng
nghiệp. Nếu vi phạm bí mật sẽ bị phạt tù”. Lương của nhân viên người Việt chỉ
bằng một phần mười, thậm chí một phần hai mươi so với nhân viên người Pháp. Năm
1917, Bưu điện bắt đầu tổ chức bưu chính nông thôn. Năm 1922, người Pháp xây
dựng đài phát vô tuyến tại Ngã Tư Vọng (tập thể 128C phố Đại La hiện nay) và
tại số 4 Phạm Ngũ Lão (nay là Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia) để liên
lạc với Pa-ri. Ngoài ra, đài này còn thông báo giá vàng, tỷ giá giữa đồng
France và đồng bạc Đông Dương. Bưu tá Hà Nội đi phát thư chưa có xe đạp, phải
dùng xe tay, sau khi nhận thư từ Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ, phu xe kéo đưa bưu
tá đến địa chỉ cần chuyển. Thua trận ở Điện Biên Phủ, phải ký Hiệp định
Giơ-ne-vơ đình chiến ở Đông Dương và rút khỏi Việt Nam, Chính phủ Pháp bàn giao
Bưu điện Hà Nội cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thì chỉ có một tổng đài
điện thoại công điện 1.500 số và gần 600 thuê bao. Thủy Tiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét